Sắp tới đây, chúng ta sẽ lại đón mừng Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10. Thế nhưng trước đó, vào tháng 9 thì người Nhật cũng có Ngày Kính lão mang ý nghĩa tương tự. Hãy cùng tìm hiểu thêm về ngày này và cách người Nhật mừng lễ dành cho người cao tuổi nhé. Biết đâu bạn cũng sẽ tìm được gợi ý món quà cho người thân của mình đấy.
Ngày người cao tuổi của Nhật Bản là gì?
Ngày lễ dành cho người cao tuổi của xứ Phù Tang còn có tên gọi khác là Keiro no Hi. Dịp đặc biệt này sẽ được tổ chức vào ngày thứ Hai trong tuần thứ 3 của tháng 9. Khác với nhiều quốc gia, đây là một ngày lễ quốc gia của Nhật Bản. Do đó, người dân cả nước sẽ được nghỉ để dành nhiều thời gian cho những người lớn tuổi trong gia đình.
Mặc dù là một ngày lễ dành cho những người cao tuổi. Tuy nhiên người Nhật không hề quy ước bao nhiêu sẽ là đủ tuổi để được tôn vinh trong ngày Kính lão. Đơn giản, đây sẽ là dịp để họ bày tỏ lòng biết ơn và tình cảm đến thế hệ đi trước.
Nguồn gốc ngày người cao tuổi của Nhật Bản
Ngày lễ này được khởi xướng từ năm 1947 bởi trưởng làng Kadowaki Masao của làng Nomadani (tỉnh Hyogo). Khi ấy, ngày Kính lão được gọi là Toshiyori – dịp để bày tỏ lòng kính trọng đến người lớn tuổi có công xây dựng và bảo vệ ngôi làng. Thời điểm này, ngày Toshiyori sẽ được tổ chức cố định vào ngày 15/9 hàng năm. Đây là lúc có tiết trời thu mát mẻ và vừa qua vụ mùa nên người dân có thể thoải mái ăn mừng.
Từ ngôi làng, ngày lễ dần được phổ biến ra toàn tỉnh Hyogo. Đến năm 1954, Toshiyori trở thành ngày lễ quốc gia của người Nhật. Tuy nhiên, về sau thì cái tên “Toshiyori no hi” vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi. Do đó, ngày lễ được đổi tên là “Rojin no hi” và cuối cùng là “Keiro no hi” vào năm 1966.
Thêm vào đó, từ khi chế độ “Thứ hai Hạnh Phúc” được thiết lập vào năm 1998 thì ngày lễ này cũng được chuyển sang Thứ hai của tuần thứ 3 trong tháng 9. Điều này tạo ra một kỳ nghỉ cuối tuần dài hơn và cho phép họ dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu.
Người Nhật Bản sẽ làm gì vào ngày người cao tuổi?
Khác với nhiều dịp lễ truyền thống khác, Ngày Kính lão cũng còn khá mới mẻ với người dân địa phương. Do đó, họ cũng không có quá nhiều phong tục truyền thống nhân dịp này. Vào thời điểm này trong năm, người Nhật cũng sẽ dành tặng cha mẹ, ông bà mình những món quà để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc:
Món quà tặng ý nghĩa
Càng lớn tuổi, vấn đề sức khỏe lại càng được quan tâm hơn. Do đó, đây cũng là một trong những món quà thường được lựa chọn. Tùy theo điều kiện sức khỏe của người được tặng mà họ sẽ có những món quà phù hợp. Đó có thể là các loại thảo dược quý, thiết bị tiện ích như máy massage, quần áo hoặc các món bánh tự làm. Tuy nhiên, họ sẽ có một vài món quà cấm kỵ như:
– Trà (món đồ được coi là đồ tạ lễ cho khách đến đám tang)
– Quà theo bộ 4 (con số mang hàm ý chết chóc) hay 9 (số tượng trưng cho chịu đựng, khổ đau)
– Món đồ dễ vỡ vì khi vỡ sẽ mang đến điềm không may.
– Vật sắc nhọn như dao, kéo (thể hiện sự chia lìa)
– Lược chải tóc, món đồ hình con cáo, quả lê, cà vạt… cũng là những đồ vật mang ý nghĩa không hay.
Đặc biệt, trong dịp lễ cho người cao tuổi, họ sẽ không tặng kính lão, máy trợ thính… Vì đây là những món đồ khiến người nhận sẽ dễ cảm thấy bị xúc phạm về tuổi tác của mình khi nhận trong dịp này.
Không dừng lại ở ý nghĩa món quà, người Nhật cũng vô cùng chú trọng đến hình thức. Theo họ, món quà được gói tỉ mỉ từ giấy bọc đến cái nơ sẽ thể hiện được tâm ý của người tặng.
Trải nghiệm đáng nhớ
Do là ngày dịp nghỉ cuối tuần nên người Nhật Bản cũng thường trở về quê nhân ngày người cao tuổi. Đây sẽ là lúc họ có thể quây quần cùng nhau ăn bữa cơm ấm cúng.
Trong kỳ nghỉ này, người Nhật tổ chức cho những người tiền bối các lễ hội thú vị. Với ý nghĩa “khuyến khích người già phấn đấu cải thiện cuộc sống, mỗi ngày sống khỏe, sống vui”, các hoạt động này thường nhằm để người cao tuổi chứng minh sự dẻo dai của mình. Đây là khái niệm rất hay và sẽ giúp người cao tuổi tự tin, vui vẻ hơn trong cuộc sống.
Chẳng có quy chuẩn gì đối với món quà dành cho người cao tuổi vào dịp lễ này. Chỉ cần phù hợp với văn hóa và thể hiện được tấm lòng của người tặng. Vì sau tất cả, tình cảm và lòng biết ơn của con cháu đối với người lớn trong nhà mới là món quà ý nghĩa nhất. Không chỉ ở Nhật Bản, điều này luôn đúng ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả Việt Nam. Hãy cố gắng gần gũi và tìm hiểu những điều họ thực sự cần, bạn sẽ luôn tìm thấy món quà tri ân ý nghĩa nhất dành cho người thân yêu.
Trên đây là đôi nét về ngày người cao tuổi Keiro no Hi của Nhật Bản. Tuy khác biệt về văn hóa, nhưng tình cảm giữa những thành viên trong gia đình dành cho nhau sẽ không thay đổi. Thêm một chút tỉ mỉ, chu đáo của người Nhật và tấm lòng của bạn, chắc chắn người thân yêu của bạn sẽ luôn hạnh phúc khi nhận món quà. Chúc bạn sẽ có ngày 1/10 sắp tới thật ý nghĩa và nhiều niềm vui nhé.