Mùa thu tới cùng không khí dịu mát, xua tan đi cái nắng hè gay gắt. Vào thời điểm lãng mạn này trong năm, đất nước Nhật Bản cũng không hề vắng bóng những lễ hội sôi động. Trong đó, thậm chí còn có những sự kiện đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Hãy cùng điểm qua một số lễ hội truyền thống độc đáo trong mùa thu của xứ Phù Tang ngay sau đây.
Lễ hội truyền thống Sumo tại Tokyo
Là môn võ truyền thống và đặc trưng của xứ Mặt Trời Mọc, lễ hội Sumo thu hút rất nhiều sự chú ý của người dân địa phương và khách du lịch. Sự kiện diễn ra vào khoảng giữa tháng 9 hàng năm.
Sumo có xuất phát điểm là một nghi lễ tôn giáo với nhiều điệu múa dâng lên thần linh với mong muốn cầu cho mùa màng bội thu và tiên đoán tương lai. Sau một quá trình dài phát triển và được phổ biến, mãi đến thời Minh Trị (1868 – 1912), Sumo mới trở thành môn võ dân tộc của Nhật.
Mỗi năm có tới 6 giải đấu Sumo, 3 trong số đó được tổ chức tại Tokyo và trở thành điểm thu hút lượng khách khổng lồ. Theo đó, mỗi giải đấu được tổ chức trong vòng 15 ngày. Các võ sĩ sẽ thi đấu trên sàn bằng đất sét rải cát lên trên. Đặc biệt, chỉ riêng ở môn võ này bạn mới được chiêm ngưỡng những nghi lễ mang đậm màu sắc tôn giáo. Trong số đó phải kể đến nghi lễ Dohyo-iri với điệu múa cùng chiếc cung vô cùng lạ mắt.
Nếu có dịp đến Nhật Bản vào mùa thu này, đừng bỏ qua một trong những lễ hội truyền thống này.
Lễ hội truyền thống cá thu đao – Sanma Meguro Festival
Khi đến thăm vùng Meguro, Tokyo (Nhật Bản) vào đầu thu, bạn sẽ ấn tượng với hình ảnh những sạp cá thu đao (sanma) nướng dọc hai bên đường nghi ngút khói. Đây là đặc trưng thú vị của lễ hội truyền cá thu truyền thống Sanma Meguro. Sự kiện này được tổ chức vào ngày chủ nhật đầu tiên và chủ nhật thứ hai của tháng 9.
Lễ hội này bắt nguồn từ một câu chuyện truyền miệng. Theo đó, từ thời xa xưa thì cá thu đao vẫn được cho là loại thực phẩm hạ đẳng. Thế nhưng vào một ngày kia, có vị lãnh chúa đi ngang vùng Meguro thì bắt gặp một người nông dân đang nướng cá. Vì quá đói bụng, ông đã ăn thử và vô cùng yêu thích. Từ thời điểm đó, cá sanma của vùng này đã nổi tiếng khắp nơi với chất lượng tuyệt hảo.
Trong thực tế, không cần câu chuyện truyền thuyết nào thì cá thu đao vẫn đủ sức chinh phục rất nhiều thực khách với sự thơm ngon và hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời. Từ tháng 8 trở đi, cá bắt đầu mùa sinh sản, do đó mà hương vị càng trở nên đặc biệt. Thịt cá đặc trưng bởi vị béo ngậy, mềm ngọt hấp dẫn. Ngoài ra, cá sanma còn chứa một lượng lớn các loại dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như vitamin A, E và D.
Uớc tính mỗi dịp lễ hội truyền thống này có tới 6000-7000 con cá được phục vụ miễn phí cho du khách đến tham quan. Chính vì vậy, nếu muốn thưởng thức hương vị thơm ngon này và hòa trong không khí rộn ràng của lễ hội, hãy đến thăm Tokyo Nhật Bản vào đầu mùa thu này nhé.
Lễ hội cười Warai Matsuri
Thứ Hai trong tuần thứ 2 của tháng 10, Đền Nyu thuộc tỉnh Wakayama sẽ tràn ngập trong màu sắc rực rỡ và những tiếng cười náo nhiệt. Đó chính là Lễ hội cười Warai Matsuri – một nét văn hóa vô cùng độc đáo của người dân địa phương.
Tương truyền vào thời xa xưa, vị thần Niutsuhime no Mikoto trong một lần đi họp cùng các vị thần đã đến muộn. Vì vậy, cô đã bị cười nhạo và xấu hổ đến mức tự nhốt mình vào đền Nyu. Vì muốn an ủi nữ thần, dân làng đã tụ họp lại và cùng nhau cười đến khi cô xuất hiện. Chính điều này đã mang lại niềm vui cho nữ thần.
Ngày nay, lễ hội cười Warai Matsuri được tổ chức với mong muốn mang đến nguồn tinh thần tích cực và may mắn cho những người tham gia. Trong đó, mọi người sẽ hóa trang với những khuôn mặt hài hước, nhảy múa và dẫn theo kiệu Mikoshi đến đền Nyu. Đồng thời, họ sẽ cười đùa lớn tiếng trên suốt đường đi, và cười phá lên trước bàn thờ thần trong đền.
Lễ hội truyền thống này chắc chắn sẽ là một liều thuốc tinh thần tuyệt vời giúp chuyến thăm Nhật Bản mùa thu này trở nên thú vị hơn.
Lễ hội Shichi-go-san – Lễ hội truyền thống Nhật Bản
Nếu đi du lịch cùng cả gia đình vào giữa tháng 11 này, bạn sẽ muốn đến Nhật Bản và tham gia lễ hội đặc biệt này. Đúng như tên gọi Shichi-go-san – ngày con khôn lớn, đây là lễ hội đánh dấu sự trưởng thành của những bé trai 3 và 5 tuổi, bé gái 3 và 7 tuổi.
Lễ hội bắt đầu từ thời Edo, khi tướng quân Tokugawa Iemitsu đến đền thần để cầu nguyện cho đứa con ốm yếu của mình vào ngày 15/11. Vào thời ấy, tỉ lệ sống sót của trẻ sơ sinh tại Nhật chỉ là 50%. Do đó, người dân tin rằng “Khi chưa tròn 7 tuổi, mọi đứa trẻ đều thuộc về thượng đế”. Trong giai đoạn này, trẻ em vẫn chưa hoàn toàn thuộc về thế giới con người và phải sau sinh nhật 7 tuổi thì mới được ghi vào sổ hộ tịch.
Ngày nay, lễ hội này đã trở nên nhẹ nhàng hơn. Đây là dịp để cha mẹ nhìn lại hành trình đầu đời và đánh dấu ngày con của mình khôn lớn. Các bé sẽ được bố mẹ cho mặc áo Kimono hay Hakama truyền thống, tay cần kẹo Chitoseame (kẹo ngàn năm) và đeo những chiếc túi với biểu tượng trường thọ.Với những ý nghĩa tốt đẹp, việc tham gia lễ hội Shichi-go-san cũng sẽ là một kỷ niệm đẹp của các bé nhà mình đấy.
Bên cạnh các sự kiện trên, mùa thu Nhật Bản còn diễn ra nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc khác. Vì vậy, đừng bỏ qua dịp này để ghé thăm và hòa vào không khí tuyệt vời cùng người dân địa phương nhé.