Là một quốc gia giàu văn hóa, ngày Tết ở Nhật cũng có rất nhiều hoạt động độc đáo. Không những thế, từng hoạt động còn mang ý nghĩa đặc biệt và đậm màu sắc văn hóa địa phương. Nếu là người yêu văn hóa xứ Mặt trời mọc, đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé.
1.Oshougatsu – Tết ở Nhật
Oshougatsu trong tiếng Nhật có nghĩa là “Chính Nguyệt”. Đây là từ dùng để chỉ Tết Cổ truyền của đất nước Mặt trời mọc. Ngày lễ này được bắt nguồn từ lễ đón thần năm mới Toshigamisama, vị thần sức khỏe, may mắn và thịnh vượng. Tương truyền, vào những ngày đầu năm, thần Toshigamisama sẽ xuống ngự trên những “cổng thông” Kadomatsu. Đồng thời, ngài còn ban tài lộc, sinh lực vào những chiếc bánh cúng thần của gia chủ.
Trước đây, người Nhật vẫn đón Tết theo lịch âm như các nước phương Đông và Oshougatsu chỉ được coi là ngày lễ đón năm mới. Tuy nhiên, từ khi Thiên hoàng kí sắc lệnh chuyển sang dùng lịch phương Tây vào thế kỷ 19, họ bắt đầu coi đây là ngày lễ truyền thống và duy trì đến ngày nay. Vì thế mà ngày Tết ở xứ Phù Tang càng trở nên độc đáo, vừa giữ được nét đẹp Á Đông, vừa hiện đại theo dòng chảy văn hóa phương Tây
Oshougatsu diễn ra từ 1/1 đến 3/1 theo lịch của phương Tây. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Vì vậy, người Nhật thường chuẩn bị trước một tháng với các hoạt động như dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chuẩn bị thức ăn, quần áo mới… Những điều này đã khiến ngày lễ trở nên vô cùng thú vị và mang đậm màu sắc địa phương.
2.Phong tục ngày Tết ở Nhật
2.1 Vệ sinh và trang trí nhà cửa
Theo quan niệm của người Nhật, Tết là thời điểm thần Toshigamisama viếng thăm. Vì vậy, họ luôn muốn nhà cửa luôn phải gọn gàng, sạch sẽ nhất trong dịp này. Vì vậy, họ sẽ chọn ra một ngày tổng vệ sinh nhà cửa gọi là Osouji. Có như thế, thần mới ban cho gia đình phước lành, sức khỏe và tài lộc trong năm mới.
Cũng vì ý nghĩa này mà người Nhật thường sẽ trang trí Kadomatsu như nơi để thần linh ngự trong ngày lễ. Vật này sẽ gồm những cành thông kết cùng 3 ống tre tươi vát chéo, xung quanh được trang trí bằng hoa hay những chi tiết đặc trưng của Nhật. Không chỉ ở nhà, người Nhật còn đặt Kadomatsu tại cửa hàng, chỗ làm việc… để cầu mong may mắn.
Ngoài ra, họ còn thường treo Shimenawa trước nhà vào dịp Tết. Vật này là một sợi dây thừng hay rơm bện xoắn cùng lá thông hoặc dương xỉ, quả cam và những biểu tượng may mắn khác. Trong văn hóa Nhật, Shimenawa thường dùng để phân định những nơi hay vật thiêng liêng. Vì vậy, người Nhật treo vật này trước nhà, chuồng gia súc, quanh giếng… để ngầm khẳng đinh nơi này đã được thần thánh bảo vệ và xua đuổi tà ma.
2.2 Lắng nghe tiếng chuông năm mới
Joya no kane là lễ đánh chuông vào giao thừa vào dịp Tết ở Nhật. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và mới, 108 tiếng chuông sẽ được vang lên tại những ngôi đền trên khắp cả nước. Theo đó, 108 tiếng gõ sẽ tượng trưng cho 108 ham muốn trần thế như ghen tị, tức giận, cam chịu… Bằng việc gõ và lắng nghe hồi chuông này, người Nhật tin rằng họ sẽ rũ bỏ được tất cả để bước qua năm mới một cách trong sạch và nhẹ nhàng hơn.
2.3 Mua túi Phúc Fukubukuro
Fukubukuro là chiếc túi đặc biệt được bán ở Nhật Bản vào dịp đầu năm mới. Điều thú vị là bạn sẽ không biết có những gì trong đó. Thông thường, món đồ bạn nhận được thường sẽ có giá thấp hơn so với giá bán lẻ, nhưng đổi lại sẽ là rủi ro mua món đồ không như ý muốn. Nhưng trên hết, ý nghĩa và những giá trị tinh thần của Fukubukuro mang lại vẫn luôn lớn hơn tất cả.
Ở mỗi cửa hàng, bạn sẽ tìm thấy chiếc túi Phúc với những mức giá và vật phẩm khác nhau. Đây là một phong tục được nhiều người ưa thích. Do đó, các điểm bán đều có rất đông người xếp hàng mua và thường hết túi khá nhanh.
2.4 Otoshidama – Tục lì xì ngày Tết ở Nhật
Tương tự ở Việt Nam, năm mới ở Nhật cũng có phong tục lì xì cho những đứa trẻ. Hoạt động này bắt nguồn từ quan niệm thần Toshigamisama chia bánh Mochi cho người dân để ban sức mạnh trong năm mới. Người chủ gia đình sẽ chia phần bánh này cho những người thân trong gia đình. Do đó, thời xa xưa thì Mochi được dùng làm món quà năm mới Otoshidama. Sau này, tiền là tặng phẩm phổ biến nhờ sự tiện dụng của nó và người nhận thường chỉ còn là trẻ em.
2.5 Hatsuhinode – Ngắm mặt trời mọc
Theo quan niệm của người Nhật, ánh sáng đầu tiên trong năm mới luôn mang năng lượng tích cực. Vì vậy, nhiều người sẽ cố gắng dậy thật sớm và chọn cho mình nơi thích hợp nhất để đón bình minh. Trong đó, những địa điểm được yêu thích nhất là núi Tsukuba, núi Hakodate, bờ biển Amaharashi… Khi mặt trời lên, ngoài đón nhận nguồn năng lượng mới, họ cũng sẽ cầu sức khỏe, may mắn cho những người thân trong gia đình.
2.6 Hatsumode – Lễ chùa đầu năm
Là quốc gia Phật giáo, vì vậy mà đi chùa đầu năm là một trong những hoạt động phổ biến nhất dịp Tết ở Nhật. Trong 3 ngày đầu năm, người Nhật sẽ cùng người thân đến các đền, chùa để cầu nguyện cho một năm mới khởi sắc. Vì vậy mà những ngày này, những nơi thiêng liêng trên khắp cả nước sẽ rất đông đúc.
2.7 Gửi thiệp chúc Tết Nengajo
Thuở xa xưa, người Nhật luôn có tục chào hỏi đầu năm mới. Dần dần, các dịch vụ bưu chính phát triển và lời chào hỏi biến thành những tấm thiệp xinh xắn. Trong đó, người Nhật sẽ dùng những tấm bưu thiếp gọi là Nenga hagaki với đặc trưng là chữ “Nenga” ở trên. Với ký hiệu này, bưu điện sẽ hiểu là thiệp chúc mừng năm mới và ưu tiên chuyển đi để kịp dịp năm mới. Vì vậy, nếu thay bưu thiếp bằng ảnh gia đình thì người gửi phải ghi chữ “nenga” này ngay bên ngoài để đánh dấu.
Ngày nay, với sự phát triển của điện thoại và các thiết bị điện tử, số lượng Nenga hagaki được gửi đã giảm nhiều. Nhưng đây vẫn là nét văn hóa đẹp trong năm mới ở Nhật.
Ngoài ra, còn rất nhiều phong tục độc đáo khác đặc trưng dịp Tết ở Nhật. Những điều này đã làm nên một mùa lễ hội cổ truyền mang đậm màu sắc văn hóa địa phương. Vì vậy, hãy trải nghiệm ngay khi có cơ hội để hiểu thêm về đất nước và con người Nhật Bản nhé.