Nếu Việt Nam có bánh chưng, bánh dày mỗi dịp Tết đến thì năm mới của người Nhật không thể thiếu Osechi Ryori. Không chỉ làm phong phú ẩm thực ngày Tết, từng món ăn đều góp phần thể hiện văn hóa, con người và những quan niệm sống sâu sắc của người dân Nhật Bản. Hãy cùng Ussina tìm hiểu ngay những món ăn truyền thống đặc biệt của xứ Phù Tang nhé.
1. Món ăn truyền thống ngày Tết ở Nhật
1.1 Osechi Riyori là gì?
Osechi Riyori (おせち料理) là món ăn được dùng vào ngày đầu năm mới tại Nhật Bản. Những món ăn này thường có nhiều màu sắc và mang ý nghĩa tốt lành. Vì vậy mà từ xa xưa, đây được coi là lễ vật dâng lên các vị thần vào ngày Sechiku. Dần dần, Osechi trở thành món ăn phổ biến trong tầng lớp thượng lưu của Nhật và sau đó là với mọi nhà. Theo quan niệm của người Nhật, những món ăn này càng được bày biện đẹp mắt, cầu kỳ thì gia chủ càng sung túc, hạnh phúc trong năm mới.
Do đó, Osechi Riyori sẽ được phục vụ trong chiếc hộp sơn mài sang trọng, có nhiều tầng, gọi là Jubako. Khác với thời gian đầu chỉ có rượu mirin, rau luộc chấm nước tương thì Osechi ngày nay đã trở nên phong phú hơn. Với ý nghĩa “hạnh phúc chồng hạnh phúc”, mỗi tầng Jubako sẽ chứa đầy những món ăn truyền thống mang ý nghĩa riêng biệt:
- Tầng 1: Đây là tầng cao nhất mang tên “Ichi no Ju” với ý nghĩa mừng năm mới tốt lành.
- Tầng 2: Là nơi chứa đầy đồ ngọt mang tên “Ni no Ju” – cũng là tầng yêu thích của các bạn nhỏ.
- Tầng 3: Mang tên “San no Ju” với ý nghĩa “hạnh phúc từ biển cả” nên có nhiều loại hải sản thơm ngon.
- Tầng 4: “Yo no Ju” – “niềm hạnh phúc từ núi” là sự cân bằng hoàn hảo với tầng trên.
Vì quan niệm không làm việc ngày đầu năm và cho những người phụ nữ có thời gian nghỉ ngơi, Osechi sẽ được chuẩn bị từ đêm hôm trước. Sau giao thừa, cả nhà sẽ cùng quây quần và thưởng thức món ăn.
1.2 Osechi Riyori gồm những món ăn truyền thống nào?
Để mang lại phúc lành cho gia chủ, từng món ăn xuất hiện trong hộp Jubako cũng mang ý nghĩa riêng biệt. Mỗi gia đình sẽ lựa chọn những hương vị riêng tùy khẩu vị. Trong đó, có thể kể đến các món ăn:
-
Datemaki (伊達巻) – Trứng cuộn ngọt
Trứng được trộn với hanpen, sau đó tạo hình như một cuộn giấy mà người xưa dùng để viết chữ. Vì vậy, món ăn này cũng tượng trung cho mong ước phát triển trên con đường học vấn.
-
Kuri Kinton (栗きんとん) – Hạt dẻ với khoai lang
Món ăn có màu vàng tươi, do đó đại diện cho mong muốn có một năm mới sung túc và thịnh vượng.
-
Tazukuri (田作り) – Cá cơm khô
Từ xa xưa, người Nhật thường dùng cá cơm để bón cho ruộng đồng. Chính vì vậy, họ dùng món cá cơm rim tương ngọt để cầu mong mùa màng bội thu.
-
Kuromame (黒豆) – Đậu đen
Người Nhật quan niệm màu đen sẽ xua đuổi những thế lực tà ác. Vì vậy, khi dùng món ăn truyền thống này thì họ tin rằng sẽ có nhiều sức khỏe trong năm mới.
-
Kazunoko (数の子) – Trứng cá trích
Trong tiếng Nhật, “kazu” là “số” và “ko” là “con cháu”. Với cách viết khác, từ này còn có nghĩa là “cha mẹ”. Đó là lý do món ăn này được dùng thể hiện mong muốn con đàn cháu đống trong năm mới.
-
Ebi no Umani (えびのうま煮) – Tôm luộc
Với dáng lưng cong, râu dài, con tôm luộc được dùng để cầu cho sự trường thọ. Ngoài ra, sắc đỏ của món ăn này cũng được tin là sẽ đẩy lùi những thế lực độc ác.
-
Su Renkon (酢れんこん) – Củ sen muối
Ở quốc gia Phật giáo như Nhật Bản, sen được coi là loài hoa thiêng liêng, thuần khiết. Hơn nữa, thông qua những lỗ trên củ sen, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy bên kia. Vì vậy, món ăn này tượng trưng cho tương lai hạnh phúc không có trở ngại.
2. Những món ăn truyền thống ngày Tết khác cũng đặc sắc không kém
2.1 Ozouni (お雑煮) – Súp bánh nếp
Đây là món ăn được ăn vào buổi sáng năm mới tại Nhật bên cạnh Osechi. Tùy theo từng vùng mà nguyên liệu của món này sẽ thay đổi khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung thì Ozouni sẽ gồm có bánh nếp (Omochi) nướng, khoai, rau củ, đậu hũ, thịt gà… và nước dùng dashi. Món ăn này được tin rằng sẽ mang đến sự thịnh vượng và hạnh phúc cho con người trong năm mới.
2.2 Toshikoshi Soba (年越し蕎麦) – Mì trường thọ
Khác với Ozouni, loại mì này thường được ăn vào đêm giao thừa tại Nhật Bản. Tục lệ này xuất phát từ khoảng 800 năm trước – khi một ngôi chùa phát mì cho người dân nghèo vào dịp năm mới. Đến thời Edo thì mì trường thọ trở thành món ăn truyền thống phổ biến khắp cả nước.
Không chỉ dễ tiêu hóa, món mì từ kiều mạch không dai, có kết cấu khá dễ đứt khi cắn. Vì vậy, người Nhật tin rằng khi ăn mì có thể kết thúc năm cũ, tránh những việc xui rủi kéo dài dai dẳng sang năm sau. Ngoài ra, hình dạng mỏng và dài của mì cũng tượng trưng cho cuộc sống khỏe mạnh và dài lâu. Do đó, ăn mì Toshikoshi Soba vào ngày tất niên đã trở thành thông lệ không thể thiếu.
2.3 Nanakusa gayu (七草粥) – Cháo thất thảo
Nanakusa gayu trong tiếng Nhật nghĩa là “Cháo bảy loại thảo mộc”. Loại cháo này thường được ăn vào ngày 7/1 hàng năm – ngày tượng trưng cho con người. Tục này xuất phát từ nhà Đường ở Trung Hoa, sau trở nên phổ biến tại Nhật vào thời Heian. Đúng như tên gọi, cháo được nấu từ 7 loại thảo mộc gồm Seri, Nazuna, Gogyo, Hakobera, Hotokenoza, Suzuna, và Suzushiro. Không chỉ có dược tính giúp bồi bổ sức khỏe, mỗi thành phần đều mang đến ý nghĩa tốt lành như tên gọi.
Là quốc gia giàu văn hóa, những món ăn truyền thống ngày Tết ở Nhật đều mang ý nghĩa đặc biệt. Vì vậy, nếu có dịp thưởng thức thì bạn đừng bỏ qua nhé.