Tại Nhật Bản, ngoài ẩm thực hay các lễ nghi truyền thống, trò chơi dân gian là một phần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về. Cũng giống với Việt Nam, trò chơi dịp đầu xuân năm mới Nhật Bản rất phong phú. Nếu như Việt Nam nổi tiếng với các trò chơi dân gian như đánh đu, rồng rắn lên mây… thì Nhật Bản phổ biến với các trò Hanetsuki, Kendama hay Takoage… Đây là những nét đẹp văn hóa mang đặc trưng riêng của xứ sở Hoa Anh Đào. Dưới đây là một số trò chơi dân gian độc đáo của người Nhật.
1. Hanetsuki – Môn cầu lông dịp đầu xuân năm mới
Hanetsuki (羽根突き) là trò chơi đánh cầu truyền thống của người Nhật với mong muốn mang đến sự may mắn trong dịp đầu năm mới. Trong trò chơi này bạn sẽ sử dụng một chiếc vợt gỗ có dạng hình mái chèo, được trang trí với những họa tiết bắt mắt gọi là Hagoita và trái cầu Hane làm bằng quả bồ hòn có màu đen, tròn và cứng.

Để chơi cầu lông Hanetsuki có hai cách là chơi một mình và chơi đôi. Nếu chơi một mình, bạn cần phải tâng cầu trên vợt càng lâu càng tốt. Còn nếu chơi hai người thì hai người cần đánh cầu qua lại. Ai để cầu chạm xuống đất thì coi như thua và sẽ bị quẹt mực tàu vào mặt.

Người Nhật cho rằng khi chơi Hanetsuki vào dịp đầu năm, nếu bạn giữ được cầu trên không càng lâu, thì cả năm đó, bạn sẽ không bị muỗi đốt. Chính vì vậy, trò chơi Hanetsuki đã được phổ biến rộng rãi như là một cách để đẩy bay những xui xẻo trong một năm và cầu cho sự phát triển khỏe mạnh của những đứa trẻ. Việc bị vẽ mực lên mặt khi thua cũng là một dấu hiệu của việc trừ tà.
2. Bài Karuta cũng thường được chơi dịp đầu xuân năm mới
Hình ảnh tụ tập đánh bài cùng gia đình, bạn bè không còn quá xa lạ với chúng ta mỗi dịp Tết đến xuân về. Bạn có biết ở xứ sở Phù Tang, người Nhật cũng có một loại bài đặc biệt để chơi đầu năm không? đó chính là bài Karuta. Bắt nguồn từ bài phương Tây, theo thời gian, người Nhật đã có những sửa đổi để trở thành Karuta của hiện tại.

Về hình thức, bài Karuta thường có dạng chữ nhật với kích thước nhỏ bằng lòng bàn tay và được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau. Trên mặt các lá bài cũng được vẽ nhiều hình ảnh độc đáo như động vật, hoa lá, những câu thơ, tục ngữ, hay các bức vẽ người Nhật thời xưa. Nếu như các lá bài Tây như J, Q, K có hình ảnh của quý tộc phương Tây trong thế giới cổ đại, thì ở lá bài Karuta có hình ảnh 100 vị thi nhân nổi tiếng của Nhật Bản.
Karuta khá đa dạng với nhiều biến thể khác nhau, nhưng có 3 loại bài phổ biến nhất là: Uta Garuta, Iroha Karuta và Hanafuda.
- Uta Garuta: Là loại bài khó chơi nhất đòi hỏi người chơi phải thuộc nhiều bài thơ trong tập “小倉百人一首” (Bách nhân nhất thủ), gồm 100 bài thơ cổ của 100 nhà thơ. Tất cả những bài thơ ấy đều được làm theo thể Tanka hay còn được gọi là đoản ca dài 5 câu với 35 âm tiết. Người chơi sẽ chia làm 2 nhóm. Sau khi trải bài xong, quản trò sẽ ngâm 3 câu đầu bất kỳ của 1 lá bài, người chơi có nhiệm vụ nhanh chóng tìm trong các lá bài 2 câu nối tiếp đúng để hoàn thành bài thơ. Cuối cùng, phía nào tìm được nhiều lá bài hơn sẽ chiến thắng. Vì là trò chơi mang tính trí tuệ cao lẫn khả năng nhanh nhạy nên Uta Garuta thường được người Nhật chọn làm môn thi hàng năm được tổ chức vào ngày mùng 2 Tết.

- Iroha Karuta: Iroha tức là bảng chữ cái tiếng Nhật, cũng chính là những gì được in lên lá bài loại này: bảng chữ cái. Hình thức chơi khá đơn giản, thường một người được chỉ định là người đọc sẽ có một quân bài và phải đọc những gì viết trên đó, trong khi những người xung quanh sẽ rải bộ bài từ ký tự đầu tiên hay một số từ cùng với một bức ảnh. Khi người chỉ định đọc những gì ghi trên bài thì các đối thủ phải tìm quân bài tương ứng. Cũng như Uta Garuta, ai là người tìm ra trước thì sẽ được nhận quân bài đó và cuối cùng chiến thắng sẽ thuộc về người sở hữu nhiều là bài hơn.

- Hanafuda: Khác với 2 thể loại bài trước đó, Hanafuda không có người đọc mà thay vào đó trên 48 quân bài đều có hình ảnh mỗi loài hoa, thể hiện 12 tháng trong năm. Mỗi lá được vẽ nên bằng những họa tiết rất đặc biệt, mỗi bộ gồm có 4 thẻ bao gồm 1 thẻ với 50 điểm và 1 thẻ nhãn với 10 điểm. Người nào có nhiều điểm hơn sẽ là người chiến thắng.

3. Thả diều Takoage cũng phổ biến dịp đầu xuân năm mới
Tại Nhật Bản, trò thả diều Takoage khá phổ biến vào dịp năm mới. Những chiếc diều có hình dáng, cách trang trí khác nhau tùy từng địa phương. Người Nhật cho rằng, con diều càng bay cao thì ước nguyện sẽ thành sự thật, em bé sẽ càng khôn lớn mạnh khỏe, vì lời cầu xin đã đến với các vị thần.

Bạn không chỉ cảm thấy niềm vui khi nhìn con diều căng gió bay cao, mà cũng có thể tham gia những trận “diều chiến” đầy khốc liệt, các đội cố gắng làm cho diều đối thủ bị rơi. Ngoài ra, các con diều theo kiểu Nhật thì được gọi là Kaito.

Diều của Nhật thường có hình vuông được làm bằng giấy dán trên khung tre và hình các võ sĩ hoặc các vũ công Kabuki được vẽ trên đó cùng với các dòng chữ tiếng Nhật. Diều vốn là trò chơi được dùng để cầu nguyện cho đứa bé trưởng thành và tương lai hạnh phúc nhưng bây giờ nó được coi là một trong những hoạt động của Tết. Bên cạnh năm mới còn có những lễ hội diều nổi bật và quy mô lớn, có thể kể đến: lễ hội Hamamatsu (diễn ra từ mùng 3 đến mùng 5 hàng năm, để chào mừng sự ra đời của những đứa trẻ trong năm đó), lễ hội Sagami (được tổ chức tại bờ sông Sagami, thuộc thành phố Sagami, tỉnh Kanagawa vào mùng 5 tháng 5 hàng năm), lễ hội Ikazaki.

4. Kendama là một phần tuổi thơ của nhiều trẻ em Nhật
Kendama là trò chơi dân gian phổ biến không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Mặc dù thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng Kendama là một trò chơi có chiều sâu với hơn 30.000 thủ thuật khác nhau để người chơi có thể luyện tập một cách thành thạo.

Là một loại đồ chơi được làm bằng nguyên liệu chính là gỗ truyền thống ở Nhật Bản, Kendama có cấu tạo gồm một tay cầm (ken) có hình dạng như thanh kiếm nối với một quả bóng (tama) bằng một sợi dây dài. Bên trên quả bóng có một lỗ bên trong nối với đầu nhọn của tay cầm. Ở hai bên của tay cầm còn có 2 chén lõm với kích thước khác nhau một chén to và một chén lõm nhỏ hơn nằm ở phía đuôi của tay cầm.
Chơi Kendama vừa thú vị vừa đầy thử thách, đòi hỏi sự kết hợp giữa tay mắt, thăng bằng và độ chính xác. Ngoài ra đây không chỉ là một trò chơi mà còn là một bộ môn kỷ luật, phối hợp giữa tính nghệ thuật và kỹ năng, và hành trình làm chủ món đồ chơi truyền thống này của Nhật Bản có thể khiến bạn vô cùng thỏa mãn. Bắt đầu với những điều cơ bản, luyện tập thường xuyên và tận hưởng cảm giác đạt được thành quả khi bạn tiến bộ trong các kỹ năng Kendama của mình.

Kendama không chỉ là một món đồ chơi hay một trò chơi; nó là một biểu tượng văn hóa thể hiện những giá trị và truyền thống cốt lõi của Nhật Bản. Sự phổ biến lâu dài của nó, cả ở Nhật Bản và trên toàn cầu, thể hiện sức hấp dẫn phổ biến của món đồ chơi kỹ năng truyền thống này và khả năng kết nối mọi người giữa các nền văn hóa trong khi vẫn bảo tồn di sản phong phú của nó.
Kết
Mặc dù với sự tiến bộ của xã hội, công nghệ thông tin phát triển, xuất hiện nhiều loại hình trò chơi khác nhau. Thế nhưng những trò chơi dân gian truyền thống Nhật Bản đầu xuân năm mới vẫn tồn tại theo thời gian, được thế hệ sau gìn giữ và phát triển như một nét văn hoá của người Nhật. Hi vọng bài viết này đã lan tỏa nhiều thông tin bổ ích, thú vị về đất nước mặt trời mọc đến với bạn!