Không khí của những ngày cuối năm đang đến gần và có một sự kiện đặc biệt mà ai cũng mong chờ chính là ngày Tết Dương Lịch. Là một trong những đất nước có nền văn hóa truyền thống đặc sắc, Nhật Bản có những cách đón năm mới đặc biệt, rất riêng so với các nước Châu Á khác. Chần chờ gì mà không cùng Ussina Sky 77 khám phá ngay những chuẩn bị của người dân cho lễ hội mùa Xuân quan trọng này tại đất nước mặt trời mọc nhé.
1 Khi nào thì người Nhật sẽ trang trí để đón năm mới?
Ngày Tết của Nhật Bản có tên là Oshougatsu hoặc Chính Nguyệt (theo phiên âm Hán Việt), diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3, tháng 1 dương lịch hằng năm. Đây là lễ hội truyền thống tại Nhật Bản bắt nguồn từ phong tục chào đón Toshigamisama – vị thần tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và tài lộc.
Phong tục ngày Tết ở Nhật Bản cũng có nhiều điểm tương đồng với các quốc gia khác, đây là dịp để gia đình sum vầy và cùng nhau đón mừng năm mới tới. Vì thế nếu đến đất nước hoa anh đào vào lúc này, bạn sẽ có cơ hội hòa mình và không khí náo nức, rộn ràng chuẩn bị đón Tết của người Nhật.
Thời điểm trước ngày 31/12 (Omisoka), người Nhật lúc nào cũng tất bật với các công đoạn chuẩn bị đón năm mới. Ở các chợ và cửa hàng, người người sắm sửa đồ Tết. Trong nhà, cả gia đình cùng nhau tổng vệ sinh, trang hoàng nhà cửa và chuẩn bị các món ăn truyền thống ngày Tết, một trong số đó là Osechi – mâm cỗ tết truyền thống mà tất cả người Nhật phải dùng vào ngày đầu năm mới.
2 Các đồ vật được dùng để trang trí nhà cửa dịp năm mới tại Nhật Bản
Người Nhật quan niệm ngày Tết là ngày mà các vị thần về với gia đình, bởi vậy nhìn chung những đồ vật trang trí đón năm mới (Shogatsu Kazari) tại Nhật Bản chủ yếu mang dụng ý chào mừng các vị thần và tổ tiên trở về. Có thể kể đến những đồ vật tiêu biểu thường xuất hiện trong nhà của người Nhật như:
2.1 Kadomatsu – Chậu cây trang trí cửa nhà đón năm mới
Nhật Bản được biết đến với tên gọi khác là xứ sở hoa anh đào và chắc hẳn nhiều người vẫn nghĩ hoa đào sẽ là loài hoa chủ đạo được dùng để trưng, trang trí nhà cửa dịp tết tại đất nước này. Tuy nhiên, loài cây trang trí truyền thống ngày Tết tại Nhật lại là Kadomatsu – với sự kết hợp của cây thông, tre và hoa mơ được trang trí trước cổng nhà.
Một điều đặc biệt thú vị là, 2 cây Kadomatsu được đặt ở hai bên cửa có một cây là giống cái và một cây là giống đực. Trong văn hóa Nhật Bản, cây thông tượng trưng cho sự trường thọ, tre cùng hoa mơ đại diện cho sự thịnh vượng, dẻo dai.
Tuy mỗi vùng sẽ có một cách bày trí khác nhau, xong tổng quát Kadomatsu gồm có 3 ống tre vắt chéo trong cùng một cành thông. Ba ống tre được xếp từ cao xuống thấp, tượng trưng cho chiếc thang để đón thần Toshigamisama xuống hạ giới vào nhà. Số cành thông bên ngoài phải là số lẻ bởi vì người Nhật Bản quan niệm hạnh phúc không thể chia đều, và phân phát như vật chất. Nó như một khối thống nhất tròn đầy nên sẽ được duy trì lâu dài.
Tương truyền rằng Kadomatsu chính là nơi mà vị thần linh thiêng Toshigamisama trong tín ngưỡng Nhật Bản trú ngụ trong những ngày năm mới, bảo hộ cho gia chủ có thật nhiều phước lành, một mùa màng bội thu.
2.2 Shimekazari – Vật trang trí may mắn đón năm mới
Shimekazari là tên gọi dùng để chỉ một vật được treo ở trước cửa nhà của người Nhật vào mỗi dịp năm mới, vừa mang ý nghĩa linh thiêng, vừa trở thành nét văn hoá độc đáo của người dân Nhật Bản.
Shimekazari được làm từ dây Shimenawa – một loại dây linh thiêng thường được bện bằng rơm rạ gắn với hai mảnh giấy gấp xoắn ở hai bên mang ý nghĩa tương tự như việc đặt cây nêu vào ngày tết của người dân Việt Nam để ngăn không cho những tà khí xấu xa vào trong nhà cũng như chào đón các vị thần.
Bên cạnh đó, Shimekazari được gắn cùng với vòng đều mang một ý nghĩa riêng của chúng. Người Nhật sẽ dùng một cái quạt nhỏ gắn phía trên cùng của shimekazari mang ý nghĩa tượng trưng cho con cái đông đủ, sum vầy, quả cam đắng tượng trưng cho các thế hệ nối tiếp nhau thể hiện sự gắn kết tình thân với nhau, lá cây dương xỉ đại diện cho sức mạnh, mong muốn hạnh phúc của mọi người. Một số gia đình còn dùng hình ảnh con tôm hùm để trang trí cho Shimekazari tượng trưng cho sự kính trọng các bậc tiền bối và sự trường thọ.
2.3 Kagami-Mochi – Món bánh linh thiêng dâng thần linh đón năm mới
Đến với Nhật Bản vào mỗi dịp lễ tết bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những dĩa bánh Kagami-mochi được bày lên đĩa và dâng lên thần linh tại mỗi gia đình Nhật. Bánh Kagami-mochi là loại bánh tượng trưng cho thần linh đem đến những điều may mắn, trọn vẹn và sức khoẻ đến với gia chủ.
Bánh Kagami-mochi là loại bánh có dạng hình những chiếc bánh dày được xếp chồng lên nhau. Người Nhật thời xưa còn quan niệm những chiếc bánh hình tròn giống như những chiếc gương đồng là nơi trú ngụ của các vị thần. Trang trí cùng với bánh là những vật dụng mang những ý nghĩa của sự tốt lành và may mắn cho năm mới. Người Nhật thường dùng:
- Quả cam: mang ý nghĩa cầu chúc con cháu có một đời thịnh vượng, an khang.
- Chiếc đũa phép có gắn chỉ thuỳ: ý nghĩa trừ tà ma, đem đến sự phát đạt trong làm ăn và thành công trong công việc.
- Giấy trắng đỏ Tứ phương hồng: ý nghĩa cầu mong sự bình an, xua đuổi những điều xui xẻo, không tốt.
- Lá dương xỉ: cầu mong tuổi thọ và cuộc sống hạnh phúc lâu dài.
Người Nhật tin rằng, chỉ cần mọi người cùng nhau chia sẻ và ăn Kagami-mochi, các thần linh sẽ ban phước cho họ một năm mưa thuận gió hoà và ngập tràn may mắn. Họ thường lấy ngày 1/1 hằng năm là ngày hạ bánh vào khay bánh. Bánh Kagami-mochi thường được chia thành những phần nhỏ và ăn cùng với một số món khác như súp, món kho, ninh,… với mong muốn cùng nhau ăn để thần linh có thể ban cho nhau sức khoẻ và sự trường thọ.
Kết
Tết ở Nhật Bản mang nét đẹp truyền thống, đáng ngưỡng mộ. Từ những hoạt động lau dọn nhà sạch sẽ, trang trí nhà cửa để đón các vị thần linh, cho đến việc thưởng thức mâm cơm ngày tết phần nào khắc họa văn hóa nước Nhật rõ nét. Bài viết này chỉ một phần nhỏ thể hiện không khí chuẩn bị Tết của người Nhật để đón một năm mới khởi sắc. Hi vọng bạn sẽ có cơ hội đến và khám phá nét văn hóa đặc sắc này của xứ Phù Tang nhé.