Nếu người Việt Nam đã quen với chiếc bánh Trung thu bên tách trà nóng mỗi dịp Rằm tháng 8 thì ở Nhật Bản chính là Tsukimi. Không chỉ đẹp mắt, đây còn là những món ăn tinh tế từ hương vị đến hình thức, chứa đựng vẻ đẹp văn hóa và con người xứ Phù Tang. Nhân dịp ngày lễ Trung thu sắp tới, hãy cùng Ussina khám phá các món ăn Tsukimi độc đáo ngay dưới đây nhé.
1 Tsukimi – Nét ẩm thực độc đáo vào ngày lễ Trung thu của người Nhật
Ở Nhật Bản, mặt trăng được coi là hiện thân của tinh thần nông nghiệp và lễ hội Tsukimi được tổ chức để bày tỏ lòng biết ơn về một vụ mùa bội thu. Vì vậy, vào ngày Juugoya hay rằm tháng 8 Âm lịch – cũng là ngày có thể quan sát mặt trăng đẹp nhất trong năm, người Nhật sẽ tổ chức lễ hội Tsukimi hay ngắm trăng.
Lễ hội này chịu ảnh hưởng của Tết Trung thu của Trung Quốc và lần đầu tiên được tổ chức ở Nhật Bản vào thời Heian. Theo thời gian, lễ hội đã có nhiều biến đổi nhưng những hoạt động truyền thống vẫn được giữ nguyên. Đó là quây quần cùng người thân, đọc thơ, uống rượu sake và thưởng thức các món ăn Tsukimi trong khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mặt trăng.
Nhiều trong số các món ăn này cũng là lễ vật đặc biệt được thực hiện cho mặt trăng thu hoạch trong lễ Tsukimi và được bày biện cùng cỏ lau – loại cây tượng trưng cho một vụ thu hoạch lúa bội thu và được cho là giúp xua đuổi tà ma.
2 Các món Tsukimi được yêu thích nhất vào ngày lễ Trung thu
2.1. Tsukimi Dango
Dango hay bánh trôi Nhật Bản là món ăn không thể thiếu trong lễ Tsukimi. Theo quan niệm của địa phương, hình tròn của bánh tượng trưng cho những điều tròn đầy, tốt đẹp. Món ăn này thường được xếp theo cấu trúc giống kim tự tháp với chiếc bánh trên cùng có màu vàng tượng trưng cho mặt trăng. Số lượng bánh thường được dùng là 15 – tượng trưng cho đêm thứ 15 của tháng hoặc 12 bánh tương ứng với 12 tháng trong năm. Người Nhật sẽ thưởng thức Dango với sự biết ơn vì món bánh này được cho là sẽ mang lại may mắn và sức khỏe.
Điều thú vị của món ăn này còn nằm ở là sự khác biệt giữa các vùng trong cách chế biến. Ở vùng Kanto, Dango sẽ có hình tròn, màu trắng. Nhưng phiên bản ở Kansai lại có dáng dài như củ khoai môn, còn món bánh này tại Kyoto cũng tương tự nhưng được bọc thêm lớp bột đậu đỏ.
2.2. Tsukimi Soba cũng được dùng trong ngày lễ Trung thu
Đây là một món ăn truyền thống khác trong ngày lễ Trung thu tại Nhật. Món này bao gồm mì Soba (mì kiều mạch), trứng, cà rốt, hành lá và nước dùng bao gồm dashi, nước tương, rượu sake và rượu mirin. Sau khi nấu chín, mì được đặt vào một cái bát chứa đầy nước dùng nóng, và món ăn sau đó được thêm một quả trứng sống và hành lá xắt nhỏ lên trên. Phần lòng đỏ trứng thường được xem là tượng trưng cho mặt trăng tròn. Đôi khi, người ta có thể thêm khoai lang bào để tạo liên tưởng tới cỏ lau. Nếu không có soba, người Nhật thường thay thế bằng mì udon để làm Tsukimi Udon.
2.3. Satsumaimo Gohan
Ở Nhật Bản, mùa thu cũng là thời điểm thu hoạch hạt dẻ và khoai lang. Ngoài ra, 2 loại nông sản này đều có màu vàng ươm – màu tượng trưng cho ánh trăng ấm áp. Đó là lý do mà Satsumaimo Gohan – cơm hạt dẻ và cơm khoai lang ra đời và trở nên phổ biến trong ngày lễ Trung thu của người Nhật.
Đúng theo tên gọi, món cơm này đơn giản là cơm trắng được nấu từ khoai lang hoặc hạt dẻ. Vì vậy, món ăn sẽ có vị ngọt nhẹ, bùi, dẻo và thơm vô cùng thú vị, mang đậm đặc trưng của hương vị mùa thu Nhật Bản.
2.4. Kenchin-jiru cũng là món quen thuộc trong ngày lễ Trung thu
Kenchin-jiru là món súp rau được làm từ nhiều nguyên liệu mùa thu. Các nguyên liệu phổ biến nhất là củ cải, cà rốt, rễ cây ngưu bàng, Konnyaku và đậu phụ. Kenchinjiru ban đầu được coi là Shōjin Ryōri hay ẩm thực truyền thống của chùa Phật giáo, bao gồm chế độ ăn chay hoặc thuần chay.
Trong khi hầu hết các món ăn của Nhật Bản đều yêu cầu nước dùng làm từ cá “dashi”, thì món súp này sử dụng nấm Kombu và nấm Shiitake để tạo hương vị cho món súp. Món súp này rất phù hợp trong thời tiết se lạnh trong ngày lễ Trung thu.
2.5. Kinukatsugi
Kinukatsugi là khoai Satoimo hấp hoặc luộc khi vẫn còn vỏ. Để thưởng thức món ăn này, người Nhật sẽ gọt vỏ và thêm muối cũng như các gia vị khác. Món ăn này từng một thời được xem là biểu tượng cho mặt trăng trước khi Dango trở thành món ăn đặc trưng của Tsukimi.
Vào ngày lễ ngắm trăng, nhiều người Nhật vẫn luôn thích cùng gia đình, bạn bè quây quần bên chiếc nồi Satoimo nóng hổi để cùng ăn và trò chuyện.
2.6. Tsukimi Sake
Từ xa xưa, người Nhật đã có một phong tục gọi là Tsukimatsuri – cùng uống rượu sake và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mặt trăng và tạ ơn thần linh vì mùa màng bội thu. Loại rượu này có hương thơm tuyệt hảo và thanh lịch cùng vị umami êm dịu lan tỏa trong miệng. Nhờ vậy mà những buổi tiệc ngắm trăng sẽ càng trở nên lãng mạn và giàu cảm xúc.
Ngày lễ Trung thu luôn là một dịp đặc biệt để cùng quây quần bên gia đình, người thân. Những món ăn Tsukimi luôn khiến ngày này trở nên trọn vẹn hơn. Đây cũng là những gợi ý có thể sẽ giúp bạn đổi gió dịp Rằm tháng 8 năm này. Chúc bạn sẽ có một lễ Đoàn viên ấm áp bên những người thân yêu nhé.