Trong văn hóa ẩm thực của mình, người Nhật luôn đề cao hương vị nguyên bản của nguyên liệu. Vì vậy, họ thường nêm rất ít, hoặc dùng các gia vị tự nhiên để tôn sự tươi ngon thuần túy của thực phẩm. Đây cũng đều là những hương vị vô cùng độc đáo của địa phương. Nếu yêu thích ẩm thực xứ Phù Tang, hãy cùng Ussina tìm hiểu một số loại gia vị Nhật phổ biến dưới đây nhé.
1. Gia vị Nhật trong nền ẩm thực
Như mọi nền ẩm thực trên thế giới, xứ Phù Tang cũng có một danh sách dài các loại gia vị khác nhau. Những hương vị này khơi gợi và khiến hương vị nguyên bản trở nên sống động, nổi bật. Đây cũng là thành phần không thể thiếu làm nên đặc trưng của nền ẩm thực Nhật.
Trong đó, các gia vị cơ bản có thể kể đến: satō (đường), shio (muối), su (giấm), shōyu (nước tương) và miso. Đặc biệt, để tạo ra hương vị chuẩn mực, những gia vị này cũng cần được thêm vào theo thứ tự sa-shi-su-se-so. Trong đó, se đại diện cho nước tương (do sho trước đây được viết là seu) và miso được biểu thị bằng âm cuối.
Gia vị thường được khai thác từ tự nhiên và sản xuất bằng cách lên men ngũ cốc. Tuy nhiên, những người Nhật từ lâu đã biết dùng Konbu (tảo bẹ), Katsuo (cá ngừ vằn), và các sản phẩm biển khác để lấy vị umami – một trong 5 vị cơ bản của ẩm thực Nhật.
2. Một số loại gia vị Nhật khác
Miso
Đây là một trong những nguyên liệu quan trọng và chỉ có trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Miso được tạo ra bằng cách lên men đậu nành với muối và nấm koji. Thành phẩm có được là một hỗn hợp sệt, có màu nâu, mùi thơm đặc trưng. Tương đậu Miso thường được dùng để nấu súp và các loại sốt.
Ngoài ra, người ta còn tăng hương vị cho Miso bằng cách thêm lúa mạch, gạo lứt, hạt gai dầu, kiều mạch, và những loại hạt khác.
Mirin
Mirin là một loại rượu gạo có độ cồn thấp và lượng đường cao. Đây cũng là loại gia vị quan trọng trong nền ẩm thực Nhật. Mirin thường được dùng để thêm vị ngọt độc đáo cho các món ăn. Ngoài ra, các loại nước sốt có thành phần rượu Mirin cũng được yêu thích vô cùng. Trong đó, có thể kể đến nước sốt Teriyaki nổi tiếng hay sốt cho các món cá nướng, thịt nướng.
Wasabi
Wasabi được cho là loại gia vị nổi tiếng nhất của Nhật Bản, và cũng là loại độc đáo nhất. Gia vị này có được khi lấy loại củ cùng tên cà nhuyễn để tạo thành một loại bột nhão màu xanh lá cây, cay nóng. Đặc biệt, Wasabi có mùi hăng vô cùng độc đáo. Ngay khi ăn, mùi này sẽ xộc lên mũi gây cảm giác cay và nhanh chóng biến mất. Vì vậy, nó cũng tạo nên hương vị vô cùng đặc biệt cho một số món ăn.
Gia vị Nhật này còn được cho là có đặc tính kháng khuẩn. Vì vậy, nó được dùng để giữ cho thực phẩm (đặc biệt là thực phẩm sống) không bị hư hỏng, và làm nổi bật hương vị của cá sống.
Shichimi Togarashi
Shichimi Togarashi có nghĩa là bột ớt bảy vị. Loại gia vị này được làm từ 7 loại gia vị đặc trưng của Nhật, bao gồm: rong biển, hạt yuzu, hạt gai dầu, hạt vừng, hạt anh túc, hạt cải dầu, gừng xay, vỏ cam và ớt đỏ. Cũng chính vì vậy mà Shichimi Togarashi còn có tên gọi khác là Nanairo Togarashi (trong đó Nanairo có nghĩa là 7 màu).
Loại gia vị này có thể tăng độ cay, cũng như đậm đà cho các món súp hay món chiên. Chính vì vậy, Shichimi Togarashi thường được dùng trong nước súp ramen, gyudon. Ngoài ra, các sản phẩm từ gạo (bánh gạo, bánh quy giòn, v.v.) cũng được thêm Shichimi để tăng hương vị.
Ponzu
Ponzu rất phổ biến trong ẩm thực Nhật Bản. Đây là một loại nước sốt chủ yếu làm từ cam quýt, pha lẫn với Mirin, giấm gạo, rong biển,… Chính vì vậy, nó có vị ngọt, mặn, chua, đắng tổng hòa đầy độc đáo. Bên cạnh đó, Ponzu còn sở hữu hương thơm cay nồng và chua, phảng phất hương hoa ngọt ngào.
Loại sốt này có thể dùng để thay giấm, mang lại vị chua độc đáo, kích thích vị giác cho món ăn.
3. Các loại gia vị Nhật theo địa phương
Các khu vực của Nhật Bản cũng đã phát triển nhiều loại gia vị riêng biệt. Một ví dụ tiêu biểu trong đó là Gyosho của tỉnh Akita. Đây là một loại nước mắm lạt từ cá, được sử dụng rộng rãi trong khu vực để tạo hương vị cho nabe (lẩu) cũng như ramen.
Song song đó, Yuzukosho cũng là một loại gia vị nổi danh của vùng Kyushu. Loại sốt này có mùi thơm, vị cay nhờ kết hợp giữa yuzu (cam vàng Nhật Bản) và ớt xanh (aotogarashi). Yuzukosho không chỉ khiến hương vị các món ăn trở nên bùng nổ, mà còn có đặc tính kháng khuẩn tương tự như Wasabi. Mặt khác, gia vị này cũng được dùng để rắc lên lươn nướng để tạo hương thơm dễ chịu giống như Sansho (hạt tiêu Nhật Bản).
Ngoài ra, người dân còn tạo ra các biến thể phù hợp với khẩu vị địa phương từ các loại gia vị tiêu chuẩn. Trong đó, có thể kể đến Ponzu (hỗn hợp nước tương và nước trái cây họ cam quýt) và Shichimi Togarashi (hỗn hợp ớt bảy loại gia vị) từ các nguyên liệu sẵn có.
Trên đây là một vài loại gia vị Nhật tiêu biểu. Với thành phần và đặc trưng khác nhau, những hương vị này đã cùng nhau tạo nên bản sắc riêng biệt cho nền ẩm thực địa phương.