Với người dân Á Đông, gạo là loại thực phẩm vô cùng quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Nhưng tại Nhật Bản, gạo còn đóng vai trò quan trọng hơn thế. Không chỉ là trung tâm của nền ẩm thực truyền thống, gạo Nhật còn góp phần định hình xã hội địa phương từ thuở sơ khai. Hãy tìm hiểu chi tiết về loại lương thực này và ý nghĩa đặc biệt với người dân Nhật Bản cùng Ussina ngay dưới đây nhé.
1. Gạo Nhật không chỉ là thức ăn
Như nhiều quốc gia châu Á, Nhật Bản cũng thuộc nền văn minh lúa nước với loại cây chủ lực là lúa gạo. Trồng lúa vốn là công việc tốn nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, các gia đình Nhật Bản khi xưa đã tập hợp để cùng nhau canh tác. Cũng trong quá trình này, họ chia sẻ tài nguyên nước, phụ thuộc và hỗ trợ lẫn nhau. Dần dần, các đơn vị xã hội đã hình thành quanh gia đình vốn là hàng xóm và đồng nghiệp trong nhiều thế hệ. Đó cũng là tiền đề cho khái niệm về lợi ích nhóm, ý thức về xã hội xuất hiện và duy trì đến tận ngày nay.
Tầm quan trọng của gạo còn được thể hiện ngay trong ngôn ngữ của người Nhật. Theo đó, “gohan” vừa là từ để chỉ “cơm chín”, vừa là “bữa ăn”. Điều này cũng đúng ở các nền văn hóa châu Á khác sử dụng gạo làm lương thực chính. Điển hình là Việt Nam chúng ta cũng có từ “bữa cơm”, “ăn cơm” dùng để chỉ “bữa ăn” hàng ngày. Ngoài ra, “gohan” trong tiếng Nhật còn được dùng trong các từ như asagohan (bữa sáng), hirugohan (bữa trưa) và bangohan (bữa tối). Những từ này như ngầm cho thấy rằng cơm là thành phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người Nhật.
Trong đời sống tâm linh, gạo Nhật cũng đóng vai trò rất quan trọng. Minh chứng cho điều này chính là việc nhiều sản phẩm từ gạo như rượu sake (rượu gạo) và mochi (bánh gạo) được dùng trong các nghi lễ tế Thần quan trọng. Ngoài ra, trong nhiều giai đoạn lịch sử, gạo còn là công cụ để đo lường sự giàu có của daimyo (lãnh chúa) và được dùng để cấp lương bổng cho các samurai (chiến binh).
Mặt khác, trong đời sống của người dân địa phương, cây lúa còn được dùng làm chiếu tatami, đóng sách, hay để chống nhuộm cho vải, đặc biệt là lụa cho kimono. Cơm ăn sâu vào văn hóa đến nỗi nếu người Việt thấy chú Cuội bên gốc đa đêm trăng tròn, thì với người Nhật đó lại là con thỏ giã gạo làm mochi.
2. Trung tâm của nền ẩm thực truyền thống địa phương
Gạo Nhật thường được gọi chung là Japonica. Loại gạo này dạng hạt ngắn, tròn, đầy, khi nấu thành cơm thì có độ dính, mềm, dẻo và hương thơm đặc trưng hấp dẫn. Đó là nhờ tỉ lệ tinh bột và độ ẩm cao. Hiện nay, có tới hơn 300 giống gạo Japonica được trồng tại Nhật Bản. Trong đó, phổ biến nhất là Koshihikari, Hitomebore, Hinohikari…
Không chỉ lịch sử văn hóa, nền ẩm thực Washoku nổi danh cũng gắn liền với hạt gạo. Trong tiếng Nhật, “Wa – hòa” chỉ sự hài hòa, cân bằng. Trong khi đó, “shoku – thực” nghĩa là thức ăn hoặc chỉ hành động ăn uống. Kết hợp với nhau, Washoku là từ chỉ chung ẩm thực truyền thống Nhật Bản với sự dung hòa tinh tế giữa các loại nguyên liệu, giữa con người với tự nhiên. Triết lý này được thể hiện rõ nhất trong bữa cơm truyền thống của người Nhật, gồm cơm, 1 món canh, 3 món ăn kèm và rau củ muối. Trong đó, cơm chính là thành phần cung cấp tinh bột và năng lượng chính cho bữa ăn.
Bên cạnh đó, nhiều món ăn nổi danh của ẩm thực Nhật trên thế giới cũng có thành phần chính là hạt gạo. Điển hình:
2.1 Sushi
Sushi có lẽ là món từ gạo Nhật nổi tiếng và độc đáo hơn cả. Trong món này, cơm sẽ được trộn cùng giấm, đường, muối, sau đó kết hợp cùng các loại nguyên liệu khác như hải sản tươi sống, rau củ, trứng… Có rất nhiều loại Sushi khác nhau, tùy theo hình thức trình bày và nguyên liệu kết hợp. Trong đó, có thể kể đến Nigiri – Sushi cơ bản gồm topping đặt trên cơm, Gunkanmaki – Sushi được bọc trong miếng rong biển lớn như chiếc thuyền; Futomaki – Sushi có cơm và phần nhân được cuộn tròn trong miếng rong biển; Temaki – Sushi cuộn rong biển dạng nón,…
Không chỉ hài hòa giữa cơm và các nguyên liệu, Sushi còn được trình bày tinh tế, đa dạng màu sắc. Đây chính là một đại diện tiêu biểu của ẩm thực Nhật.
2.2 Onigiri
Onigiri hay còn gọi là cơm nắm. Với món này, cơm thường được để nguyên hoặc trộn với gia vị, sau đó nắm lại hình tam giác với nhân bên trong. Bên ngoài có thể quấn thêm lá rong biển. Nhân cơm nắm rất đa dạng, cá hồi, cá ngừ, trứng cá hồi đến mơ muối. Đây là món ăn vô cùng phổ biến tại Nhật. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp cơm nắm trong các bữa ăn gia đình, cơm hộp văn phòng hay các cửa hàng tiện lợi.
2.3 Donburi
Donburi là từ dùng để chỉ các loại cơm tô của Nhật Bản. Món ăn này gắn liền với hình ảnh tô cơm tròn, phía trên được phủ đầy các loại topping thơm ngon. Dù khẩu vị như thế nào, bạn cũng sẽ tìm được tô Donburi yêu thích của mình vì nguyên liệu dùng trong món ăn này vô cùng đa dạng. Đặc biệt, mỗi món ăn lại có tên gọi và đặc trưng riêng như Gyudon (Cơm bò hầm), Unadon (cơm lươn), Katsudon (cơm thịt heo chiên xù)…
2.4 Mochi
Mochi là loại bánh dày nhân ngọt được làm từ gạo Nhật Bản. Để làm Mochi, người ta sẽ chọn các loại gạo có độ dẻo, dính và hương vị thơm ngon, hấp chín và giã nhuyễn. Mochi truyền thống sẽ có nhân chay hoặc nhân đậu đỏ. Nhưng ngày nay, loại bánh này đã được biến tấu để có hương vị và màu sắc bắt mắt hơn. Có thể kể đến Ichigo Daifuku – bánh có nhân dâu tây bọc trong lớp đậu đỏ, Ice Cream Mochi – Mochi nhân kem lạnh, Shiruko Mochi – Mochi ăn cùng chè đậu đỏ,…
Từ khi được du nhập từ Trung Quốc vào xứ Mặt Trời Mọc vào khoảng năm 300 trước Công nguyên, Mochi đã nhanh chóng trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày và đặc biệt là các nghi thức Tế thần hay dịp Lễ, Tết của Nhật Bản.
Ngoài những món ăn kể trên, người nhật còn có rất nhiều cách ăn cơm độc đáo khác với cháo Okayu và Zosui, cơm chan nước trà Ochazuke, cơm trộn trứng sống Tamago Kake Gohan, cơm trộn khoai nghiền Tororo… cũng rất đáng thử.
Người Nhật cho rằng “Mỗi hạt gạo có 7 vị thần trú ngụ” (一粒のお米には七人の神様がいる). Từ câu nói trên có thể thấy được sự thiêng liêng và tầm quan trọng của gạo Nhật trong văn hóa và tín ngưỡng của người dân. Nếu yêu thích và mong muốn trải nghiệm những tinh hoa ẩm thực Nhật, đừng bỏ qua những món ăn từ gạo nhé.