Đối với ẩm thực, người Nhật luôn chú trọng vào từng nguyên liệu, tỉ mỉ trong cách chế biến, hương vị và bài trí để mỗi món ăn đến với thực khách đều là mỹ vị. Và ẩn chứa trong đó là cả một triết lý mang theo tinh hoa văn hóa ẩm thực Nhật. Cùng Ussina tìm hiểu ngay bí mật triết lý tam ngũ bên trong các món ăn Nhật nhé!
Triết Lý Tam Ngũ Là Gì?
Triết lý tam ngũ là một trong những bí quyết “thần thánh” giúp các đầu bếp Nhật Bản chinh phục mọi tín đồ ẩm thực trên thế giới khi thưởng thức các món ăn của Nhật Bản. “Tam ngũ” có nghĩa là bộ 3 yếu tố tạo nên 1 bữa ăn Nhật cân bằng dinh dưỡng với tiêu chuẩn: 5 màu, 5 vị, 5 phương pháp.
Đây được xem như một quy luật phản ánh sự kết hợp hài hòa, sự tôn sùng và yêu thiên nhiên của người Nhật.
Go Shiki – Quy Tắc 5 Màu Sắc Trong Triết Lý Tam Ngũ
Với người Nhật, mỗi bữa ăn là một hành trình trải nghiệm vị giác lẫn thị giác, khiến người ăn thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên nhờ món ăn có màu sắc bắt mắt. Do đó, các món ăn Nhật luôn được trình bày với sự kết hợp màu sắc tuyệt vời và tinh tế.
Ý nghĩa của từng màu sắc trong Go Shiki
Đến với quy tắc đầu tiên trong triết lý tam ngũ – nghệ thuật bài trí món ăn Goshiki hay nguyên tắc 5 màu sắc. Theo đó, mỗi bữa ăn của người Nhật cần đảm bảo có sự hiện diện của 5 màu sắc căn bản với nhiều ý nghĩa thú vị:
- Màu trắng thể hiện sự tinh khiết, thanh tao. Có thể đến từ cơm, đậu phụ, củ cải trắng, nấm tuyết,…
- Màu đỏ thể hiện sự may mắn, nhiệt huyết. Màu đỏ được bắt gặp trong các loại thịt đỏ như bò, cá hồi, trứng cá,…
- Màu xanh lá thể hiện sự tươi mới, sức sống với các loại rau xanh như măng tây, bông cải xanh,… là những nguyên liệu mang đến màu xanh tươi mát cho bữa ăn.
- Màu vàng thể hiện sự sung túc, thịnh vượng, xuất hiện từ các loại củ như cà rốt, bí đỏ, khoai lang, dứa,…
- Màu đen thể hiện sự huyền bí, sang trọng. Màu đen có thể đến từ các loại rong biển, nấm đen, mè đen,…
Sự kết hợp hài hòa của 5 màu sắc này không chỉ tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ, hấp dẫn cho món ăn mà còn mang ý nghĩa cả về mặt dinh dưỡng và văn hóa. Đó là sự tượng trưng cho 5 nhóm dinh dưỡng thiết yếu, đảm bảo bữa ăn cân bằng chất.
Ngoài ra, nó còn đại diện cho ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ trong triết lý âm dương của người Nhật.
Ví dụ về Go Shiki
Điển hình cho nguyên tắc Go Shiki dễ bắt gặp chính là một đĩa sushi. Trên đó, ta có thể thấy màu trắng của cơm, màu đỏ của cá hồi, màu xanh của lá tía tô, màu vàng của trứng và màu đen của rong biển. Sự kết hợp hài hòa này không chỉ đẹp mắt mà còn cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể trong mỗi cuộn cơm.
Go Mi – Quy Tắc 5 Hương Vị Tạo Nên Sự Hài Hòa Cho Món Ăn
Ngoài màu sắc ra thì hương vị cũng là một trong những điều mà người Nhật cực kỳ chú trọng trong triết lý tam ngũ. Theo nguyên tắc Go Mi, mỗi món ăn đều hội tụ 5 vị cơ bản:
- Mặn: đây là hương vị cơ bản giúp kích thích vị giác, tạo nên sự đậm đà cho món ăn.
- Ngọt: hương vị ngọt tự nhiên từ các nguyên liệu như rau củ, trái cây, giúp cân bằng vị giác và tạo cảm giác ngon miệng.
- Chua: hương vị chua giúp kích thích vị giác, hỗ trợ tiêu hóa.
- Đắng: hương vị đắng nhẹ từ một số loại rau củ giúp cân bằng các vị khác, tạo chiều sâu cho món ăn.
- Umami: hương vị ngọt thanh, kéo dài đặc trưng của ẩm thực Nhật Bản. Umami có thể tìm thấy trong thịt bò, nước dùng, các món nướng, hầm,…
Sự kết hợp hài hòa của 5 vị này tạo nên hương vị tinh tế, đặc trưng cho ẩm thực Nhật Bản. Vị ngọt tự nhiên thường được đề cao, hạn chế sử dụng đường. Các món ăn thường được nêm nếm thanh nhẹ để giữ nguyên bản vị tươi ngon của nguyên liệu.
Go Hoo – Quy Tắc 5 Phương Pháp Chế Biến Trong Mỗi Bữa Ăn Của Người Nhật
Trong số những triết lý tam ngũ trong ẩm thực Nhật Bản ngoài màu sắc và hương vị, người Nhật còn chú trọng đến các cách chế biến món ăn. Go Hoo là nguyên tắc sử dụng 5 phương pháp nấu nướng cơ bản:
- Hầm: phương pháp giúp giữ nguyên hương vị và dưỡng chất của nguyên liệu, thường được sử dụng để nấu súp, canh,…
- Nướng: giúp tạo ra hương vị thơm ngon, bùng vị cho món ăn, thường được áp dụng cho các loại thịt, cá, hải sản,…
- Hấp: phương pháp giữ nguyên độ tươi ngon và dinh dưỡng của thực phẩm, thường được sử dụng cho rau củ, hải sản,…
- Rán: giúp món ăn giòn tan, vàng ươm, thường được sử dụng cho các món chiên, xào,…
- Luộc: phương pháp đơn giản, giữ nguyên hương vị tự nhiên của nguyên liệu, thường được sử dụng cho rau củ, trứng,…
Mỗi phương pháp nấu nướng đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc kết hợp linh hoạt 5 phương pháp này giúp người Nhật tạo ra những món ăn đa dạng, phong phú và giữ nguyên hương vị tinh tế của nguyên liệu.
Có thể thấy triết lý tam ngũ trong ẩm thực Nhật Bản là một phần quan trọng tạo nên bản sắc độc đáo của ẩm thực Nhật. Bằng cách tuân theo những quy tắc này, người Nhật đã tạo ra những món ăn không chỉ ngon mà còn đẹp mắt, tinh tế và giàu giá trị văn hóa.