Nếu là một người yêu thích văn hóa, ẩm thực và đặc biệt là các loại bánh của Nhật Bản, hẳn bạn sẽ không còn lạ lẫm với Wagashi. Thế nhưng với nhiều người, đây vẫn là một khái niệm khá mới mẻ.
Bánh Wagashi với người Nhật đã trở thành biểu tượng của truyền thống, sự tinh tế và đầy tự hào trong thế giới ẩm thực của người dân đất nước này. Nhiều người ví von chiếc bánh này tựa như một tuyệt tác nghệ thuật mà các đầu bếp chính là nghệ nhân, vì vậy mà việc thưởng thức những chiếc bánh Wagashi đòi hỏi thực khách cần sử dụng tất cả các giác quan. Sự kết hợp hoàn hảo này sẽ tạo ra một nét rất riêng, rất Nhật Bản. Hãy cùng Ussina Sky 77 tìm hiểu sâu hơn về những kiệt tác này nhé!
1 Bánh Wagashi là gì? Bánh của giới thượng lưu Nhật Bản
Wagashi là từ dùng để chỉ các loại bánh ngọt truyền thống với nguyên liệu thường dùng từ các loại thực vật, được trình bày đẹp mắt, đầy tính thẩm mỹ chứ không đơn thuần là ngon miệng. Vốn dĩ người dân xứ sở hoa anh đào luôn có quan niệm mỹ học rất sâu sắc, vì vậy mà cái đẹp đã trở thành chuẩn mực hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ẩm thực Nhật Bản.
Wagashi xuất hiện ở Nhật từ rất sớm, vào thời Yayoi (300 TCN – 300), với mục đích ban đầu là món ăn tế thần. Nhưng phải đến thời Edo (1603-1867), Wagashi mới được phát triển thành nghệ thuật đỉnh cao. Nghề làm bánh Wagashi theo đó mà phổ biến khắp nước Nhật, nhiều cửa hiệu mọc khắp Kyoto đến các vùng lân cận. Mục đích sử dụng bánh cũng đa dạng hơn. Chúng xuất hiện như món tráng miệng kích thích vị giác sau buổi tiệc trà thanh đạm, góp mặt vào bữa ăn của quý tộc như sự khẳng định đẳng cấp, được dùng như quà biếu trong các dịp trọng đại,… Tới thời Minh Trị (1868-1912), chính sách ngoại giao mở cửa đã giới thiệu món bánh này đến với phương Tây. Kể từ đó, bánh Wagashi luôn được thế giới nhìn nhận như một trong những đại diện tiêu biểu cho ẩm thực Nhật Bản.
2 Ý nghĩa ẩn sau những chiếc bánh Wagashi
Mỗi chiếc bánh Wagashi đều được ví như một tiểu vũ trụ tổng hòa những yếu tố tươi đẹp của đất trời. Bột bánh thường được nhuộm màu theo các mùa trong năm, hình dạng bánh đa dạng tương ứng với các hình ảnh thiên nhiên (hoa anh đào, hoa mơ, lá phong, bông tuyết…) và đặc biệt là nhân bánh từ đậu đỏ tượng trưng cho con người đứng ở trung tâm.
Ý nghĩa ẩn sau những chiếc bánh Wagashi
Khi nói về Wagashi thì người Nhật thường nghĩ đến “nghệ thuật của 5 giác quan” bởi từng chiếc bánh Wagashi được tạo ra đều có khả năng đánh thức 5 giác quan của người thưởng thức và đồng thời thực khách cũng phải sử dụng hết các ngũ quan của mình: thị giác (ngắm nhìn những chiếc bánh xinh xẻo), thính giác (nghe tên gọi), xúc giác (chạm tay cảm nhận), khứu giác (ngửi hương thơm tự nhiên), vị giác (thưởng thức và cảm nhận). Chính sự ẩn ý sâu sắc đằng sau cách làm này đã cho ta thấy một ý nghĩa vô cùng lớn lao: Con người và thiên nhiên cùng chung sống hòa hợp với nhau giữa đất trời bao la.
Phân loại bánh Wagashi
Với nền ẩm thực phong phú của Nhật Bản thì danh sách các loại Wagashi có thể lên đến hàng trăm, nghìn. Tuy nhiên nếu dựa vào hàm lượng nước trong bánh có thể phân thành 3 nhóm lớn: Namagashi, Hannamagashi và Higashi. Sự phân chia này có ý nghĩa quan trọng trong việc kết hợp với trà đạo bởi theo nguyên tắc chỉ được ăn Namagashi khi dùng trà đậm và Higashi khi dùng trà nhạt.
- Nhóm Namagashi: là loại bánh tươi có hàm lượng nước trên 30% nên có kết cấu mềm, mịn và dẻo. Do bản chất của các nguyên liệu, bánh sẽ cứng lại theo thời gian nên nhiều loại Namagashi chỉ để được từ 1~3 ngày.
Namagashi có những loại đặc thù như bánh Mochi (Mochimono), bánh hấp và bánh chiên. Trong đó, bánh dạng Mochi là những loại bánh có nguyên liệu chính là gạo nếp hoặc gạo tẻ. Ngoài ra còn có các loại bánh nướng, bánh dạng thạch (Nagashimono) và bánh nhào nắn thủ công (Nerimono).
Thuộc nhóm Namagashi, thật thiếu sót nếu không nhắc đến Dorayaki – Bánh rán Doraemon huyền thoại với lớp đậu đỏ nhuyễn kẹp giữa 2 miếng bánh rán từ bột mì mềm mịn. Khi thưởng thức trà chiều tại Ussina, bạn sẽ bắt gặp bánh rán phiên bản khác biệt với vỏ bánh hương matcha và phần nhân gồm đậu đỏ, kem tươi và dâu tây tươi.
- Nhóm Hannamagashi: Là các loại bánh Wagashi có hàm lượng nước khoảng 10 – 30% nên có kết cấu cứng hơn Namagashi, được chế biến để ăn lâu hơn, thường là từ 3 – 7 ngày.
Hannamagashi có loại đặc thù là Anmono và Okamono, trong đó Anmono là những loại bánh có lớp vỏ ngoài khá mỏng, điểm hấp dẫn nằm ở phần nhân đậu nghiền nhão; còn Okamono là loại bánh có sự kết hợp giữa các thành phần được chế biến độc lập nhau. Ngoài ra trong Hannamagashi cũng có các loại bánh nướng, bánh dạng thạch, bánh nhào nắn thủ công như Namagashi. Phổ biến trong nhóm Hannamagashi có: Monaka, Kanoko, Suhama.
- Nhóm Higashi: là loại bánh Wagashi khô có hàm lượng nước dưới 10%, kết cấu giòn, khi cắn vào thường phát ra tiếng rôm rốp. Higashi thường để được khoảng 1 đến 3 tháng.
Higashi có loại bánh đặc thù là Uchimono (hỗn hợp bột, xirô và đường được nhào mịn, nén tạo hình), Oshimono (giống Uchimono nhưng hàm lượng nước cao hơn nên dễ tan chảy khi cho vào miệng) và Kakemono (gồm đậu rang, bích quy, thạch rau câu hoặc hạt phỉ được rưới thêm nước xirô hoặc sôcôla bên ngoài, được cán phẳng để tạo độ nhẵn bóng cho bề mặt bánh). Ngoài ra còn có các loại kẹo, đậu sấy, bánh gạo, bánh nướng và bánh chiên. Một số loại bánh thuộc nhóm Higashi như: Hina-arare, Okoshi, Senbei, Karinto
4 KẾT
Bánh Wagashi hấp dẫn bởi nét đẹp tinh tế và thanh tao trong hình thức. Dù giản dị hay cầu kì, Wagashi luôn toát ra một sức hút khó cưỡng, lúc hóa thành một cánh hoa anh đào chớm nở, một chú đom đóm, một ngọn núi trùng trùng lá đỏ, lúc lại là một cánh rừng tuyết trắng tịch mịch… Ở bánh Wagashi, nét sống động như gói trọn cả trời đất rộng lớn vào chiếc bánh nhỏ bé nhưng khiến thực khách mãn nhãn và trầm trồ. Hãy một lần đến Ussina và thưởng thức các thức bánh ngọt đặc trưng của xứ Phù Tang, nhâm nhi chút trà Nhật từ tầng 77 Landmark 81. Liên hệ đặt bàn để chúng tôi có thể phục vụ bạn tốt nhất!